Biến động thị trường Thương Mại Điện Tử Việt Nam 2023

Biến động thị trường Thương Mại Điện Tử Việt Nam 2023

Theo dõi VNDTS trên Google News

Dựa theo báo cáo thương mại điện tử của Hiệp hội thương mại điện tử việt nam VECOM. Sự nổi trội của mạng xã hội nhưng Website doanh nghiệp là một phần không thể thiếu cho công cuộc phát triển bền vững TMĐT

Mục lục

Mục lục bài viết

    Sự nổi trội của sàn thương mại điện tử và mạng xã hội

    Hoạt động kinh doanh sôi động trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là nét nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 và quý một năm 2023.

    Theo khảo sát của VECOM, có tới 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, Whatsapp, Viber, Facebook Messenger liên tục tăng qua các năm.

    Bán hàng trên các mạng xã hội cũng được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, vượt qua các hình thức khác như Website hay ứng dụng của doanh nghiệp cũng như sàn thương mại điện tử. Nổi bật nhất là sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của Tiktok Shop. Kinh doanh trên nền tảng này có sức hút rất lớn đối với đông đảo thương nhân trên cả nước.

    Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định.

    Theo khảo sát của VECOM, năm 2022 có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Theo Công ty Cổ phần Khoa học Dữ liệu Metric, tổng doanh số của bốn sàn thương mại điện tử hàng đầu cùng với Tiktok Shop lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).

    Shopee và Lazada là hai sàn thương mại điện tử lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng thương mại điện tử bán lẻ lớn thứ ba tại Việt Nam.

    Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung, bằng cách tổng hợp nhu cầu, do đó có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn thông qua tính kinh tế theo quy mô. Chẳng hạn, Công ty TNHH Telio Việt Nam đã trở thành đơn vị tiên phong cung cấp nền tảng công nghệ hỗ trợ hiệu quả đông đảo các nhà bán lẻ quy mô nhỏ. Năm 2022 doanh số trên nền tảng này lên tới gần 300 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 140% so với năm trước đó và có trên 40.000 khách hàng ở nhiều địa phương. Ba tháng đầu năm 2023 doanh số và khách hàng tăng trưởng 120% và 25% so với cùng kỳ.

    Chất lượng Website và ứng dụng di động ngày càng cao

    Theo khảo sát của VECOM, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều. Một trong các nguyên nhân có thể là số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2022 và kéo dài tới hết quý một 3. Sự nổi trội của sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Chất lượng website và ứng dụng di động ngày càng cao 10 năm 2023 rất cao.

    Mặc dù website và ứng dụng di động có ý nghĩa kinh doanh lâu dài và nâng tầm thương hiệu nhưng doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh có thể ưu tiên kinh doanh trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội.

    Tuy nhiên, tỷ lệ các website tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến với khách hàng đã đạt tỷ lệ 78%, đồng thời trong hai website có tương tác trực tuyến với khách hàng thì có một sử dụng chatbot tự động. Đáng chú ý là năm 2022 tỷ lệ website có phiên bản di động đã lên tới 22%. Bên cạnh website, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng ứng dụng di động phục vụ kinh doanh cũng tăng đều qua các năm và trong số ba ứng dụng di động thì có hai ứng dụng hỗ trợ đầy đủ hoạt động mua sắm của khách hàng.

    Tuy chất lượng các website tăng lên nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đạt hiệu quả cao hơn. Điều này phản ảnh thực tế là ngoài chức năng giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, thương hiệu thì để duy trì được website tích hợp đầy đủ các chức năng bán hàng, thanh toán, giao hàng… là không đơn giản. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, cứ hai doanh nghiệp có website thì một doanh nghiệp cho rằng website mang lại hiệu quả cao. Có thể các doanh nghiệp này đã dành nguồn lực vận hành website cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh nội địa.

    Tên miền quốc gia tăng trưởng chậm

    Tỷ lệ doanh nghiệp có website thay đổi rất nhỏ trong những năm qua phản ảnh tỷ lệ tăng trưởng của tên miền quốc gia “.vn”. Tài nguyên tên miền quốc gia “.vn” ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến của doanh nghiệp.

    VECOM cũng như Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đều chung nhận định doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công cần xây dựng website nhằm hiện diện trên môi trường trực tuyến, tạo niềm tin cho khách hàng, chủ động quản lý nội dung, trực tiếp nhận phản hồi từ khách hàng, tạo hệ sinh thái kinh doanh với các đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, logistics, tiếp thị số, v.v…

    Tuy nhiên, khảo sát của VECOM cho thấy trong vài năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp có website hầu như không thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ này của năm 2022 là 42%, xấp xỉ tỷ lệ của ba năm trước đó. Tỷ lệ tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp có website phần nào phản ảnh tốc độ tăng trưởng thấp tương ứng của tên miền “.vn” duy trì.

    Tốc độ này của các năm 2019 đến 2022 tương ứng là 6,4%; 2,8%; 5,8% và 3,1%. Số lượng tên miền “.vn” của các năm này là 0,50; 0,52; 0,55 và 0,56 triệu.

    Khảo sát gần 50.000 website thương mại điện tử của VECOM trong quý một năm 2023 cho thấy tỷ lệ website sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và quốc tế ‘.com” tương ứng là 56% và 38%.

    Tỷ lệ website sử dụng tên miền khác là 6%. Những tỷ lệ này ổn định từ năm 2016 tới nay và phản ảnh tên miền quốc gia “.vn” có sự hấp dẫn khá cao đối với thương nhân. Xét theo địa phương, Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương thống trị về tên miền “.vn” duy trì với số lượng năm 2021 là 0,39 triệu và 2022 là 0,40 triệu, chiếm 73,8% và 72,1% tên miền cả nước.

    Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng tên miền của hai địa phương dẫn đầu này năm 2022 chỉ là 2,5%, thấp hơn tốc độ chung của cả nước là 3,1%. Hầu hết các địa phương còn lại có tốc độ tăng trưởng tên miền “.vn” duy trì khá cao do xuất phát điểm quá nhỏ, chẳng hạn Bạc Liêu (37%), Hà Giang (37%), Bến Tre (48%), Thừa Thiên Huế (74%). Đặc biệt, tỉnh Lào Cai tăng từ 716 tên miền năm 2021 lên 1503 năm 2022, tăng 110%. Một số tỉnh đi ngược xu hướng tăng trưởng chung và chứng kiến tốc độ tăng trưởng âm như Ninh Thuận (-78%), Bắc Kạn (-12%). Rõ ràng cần phải triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn chính sách thu hẹp khoảng cách số nói chung và thương mại điện tử nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử của 61 địa phương ngang với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và chiếm 50% cả nước.

    Việc hỗ trợ các địa phương nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của website và tên miền là một giải pháp thiết thực để thu hẹp khoảng cách đó, đồng thời cũng góp phần phát triển tên miền “.vn” nói riêng và thương mại điện tử nói chung. VNNIC đặt mục tiêu đến năm 2025 nước ta có tối thiểu một triệu tên miền “.vn”.

    Theo tính toán của VECOM mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu tốc độ tăng trưởng trung bình tên miền cho ba năm còn lại trên 20% mỗi năm. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng tên miền quốc gia tuy chậm lại nhưng nếu so sánh một cách tương đối với tỷ lệ tăng trưởng của tên miền toàn cầu nói chung và tên miền quốc gia nói riêng của các nước thì tên miền quốc gia .VN vẫn có tốc độ tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua. Nếu xét tới xu hướng tăng trưởng tên miền quốc gia “.vn” và các tên miền quốc gia khác trên thế giới trong vài năm gần đây có thể thấy cần có sự nỗ lực rất lớn của VNNIC cũng như nhiều tổ chức khác để đạt được mục tiêu này.

    Hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững

    Những hoạt động đầu tiên Sau nhiều năm tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trực tuyến, năm 2018 VECOM phát hiện một số yếu tố cản trở tới sự phát triển bền vững trong dài hạn. Năm 2019 Hiệp hội đề xuất triển khai Chương trình phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025, bao gồm giai đoạn khởi động trong hai năm 2019 – 2020 và giai đoạn chính trong năm năm 2021 - 2025.6 Trong giai đoạn khởi động, VECOM nhấn mạnh với các cơ quan hoạch định chính sách về sự chênh lệch rất lớn của thương mại điện tử giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành còn lại.

    Nếu không triển khai các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách này thì sẽ tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững của thương mại điện tử Việt Nam. Xuất phát từ đề xuất này, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã đề ra mục tiêu và một số giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách trên. Đồng thời, Hiệp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai thương mại điện tử một cách chủ động hơn, bao gồm các khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh. Song song với những hoạt động nhằm thu hẹp khoảng cách số VECOM đã quan tâm tới những tác động tiêu cực của thương mại điện tử tới môi trường. Hiệp hội tích cực phối hợp với một số tổ chức bảo vệ môi trường triển khai các hoạt động nhằm hạn chế việc buôn bán trực tuyến các sản phẩm động thực vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp, đặc biệt là ngà voi và sừng tê giác. Sau khi ký Thoả thuận Hợp tác với Tổ chức TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã năm 2016, hai bên phối hợp chặt chẽ với nhau và với các tổ chức khác như USAID triển khai nhiều hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường nói chung cũng như buôn bán động vật hoang dã trong tình trạng nguy cấp. Hai bên đã giới thiệu những rủi ro mà doanh nghiệp trực tuyến gặp phải nếu không quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa phù hợp nếu liên quan tới những hành vi bị cấm.

    GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ DOANH NGHIỆP VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG (B2C)

    a. Website doanh nghiệp

    Trong nhiều năm liền, website doanh nghiệp luôn được đánh giá là kênh hàng đầu giúp xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến một cách bền vững, điều này đúng cho cả doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đã xây dựng website không có thay đổi nhiều nhiều so với các năm trước và mức độ chênh lệch với các năm trước cũng không cao.

    Có 34% doanh nghiệp cho biết đã tự xây dựng website cho doanh nghiệp của mình, 66% còn lại thì thuê các đơn vị khác xây dựng website. Xét theo quy mô giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tỷ lệ doanh nghiệp tự xây dựng website giữa hai nhóm này có chênh lệch đôi chút.

    Trong số các doanh nghiệp có website thì 78% doanh nghiệp cho biết hiện nay đã tích hợp tính năng tương tác trực tuyến (Zalo, Facebook…) với khách hàng của mình trên chính các nền tảng website đó. Tương tự khi phân theo quy mô doanh nghiệp thì tỷ lệ doanh nghiệp có tích hợp các tính năng tương tác trực tuyến trên website của nhóm doanh nghiệp lớn có cao hơn một chút so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (83% doanh nghiệp lớn có tích hợp các tính năng này, trong khi đó tỷ lệ ở nhóm doanh nghiệp nhỏ là 77%).

    72% doanh nghiệp cho biết việc quản lý phản hồi trực tuyến với khách hàng sẽ thông qua nhân sự phụ trách tương tác trực tiếp, trong khi đó 50% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hỗ trợ chatbot. Về lâu dài khi hệ thống mở rộng cùng với quy mô khách hàng lớn lên, việc sử dụng các nền tảng công nghệ và hỗ trợ việc kinh doanh tương tác với khách hàng sẽ rất cần thiết. Xu hướng trong hai năm cho thấy doanh nghiệp đang dần ứng dụng các nền tảng công nghệ vào thay thế cho nhân sự triển khai việc này.

    Xây dựng uy tín, quảng bá và nâng tầm thương hiệu là mục đích hàng đầu mà mọi doanh nghiệp khi xây dựng website đều hướng tới (84% doanh nghiệp cho rằng việc xây dựng website của họ nhằm mục đích này).

    b. Kinh doanh trên mạng xã hội

    Xu hướng hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…) năm 2022 tiếp tục tăng mạnh, cụ thể có tới 65% doanh nghiệp cho biết có sử dụng các hình thức kinh doanh này. Điều này là rõ ràng khi trước bối cảnh tác động của dịch bệnh, việc chuyển dịch lên kinh doanh trực tuyến là cần thiết. Bên cạnh nhiều nền tảng kinh doanh online thì kinh doanh thông qua mạng xã hội được đánh giá là nền tảng dễ triển khai nhất với mọi doanh nghiệp.

    c. Tham gia các sàn thương mại điện tử

    Năm 2022 có 23% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động của các nền tảng này cũng dần được cộng đồng quan tâm nhiều hơn cả về khía cạnh chính sách thực thi và hiệu quả kinh doanh.

    d. Kinh doanh trên nền tảng di động

    22% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website phiên bản di động, tỷ lệ này cao hơn hẳn so với năm 2021 và các năm trước đó. Việc mở rộng kinh doanh trên nền tảng di động sẽ gia tăng thêm một kênh tiếp xúc mới hiệu quả với khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.

    Tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng di động hỗ trợ hoạt động kinh doanh năm 2022 cũng thay đổi nhiều hơn so với các năm trước đó. Giải pháp xây dựng ứng dụng riêng cũng sẽ phù hợp hơn với các doanh nghiệp lớn và có loại hình kinh doanh đa dạng. Khi đó các nền tảng này phải định hướng tới một hệ sinh thái phong phú như một “siêu ứng dụng”, cung cấp được cho người dùng đa dạng các hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ khác nhau.

    Trong đó có tới 38% doanh nghiệp lớn có ứng dụng bán sản phẩm trên thiết bị di động, tỷ lệ này ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ là 19%. Nhóm doanh nghiệp lớn cũng có tỷ lệ tự xây dựng website phiên bản di động/ứng dụng di động của mình cao hơn hẳn so với nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Phần lớn doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết thời gian trung bình lưu lại của khách hàng khi truy cập vào website thương mại điện tử phiên bản di động/ứng dụng bán hàng ở mức rất thấp, đa số đều ở mức từ 5-10 phút (chiếm 35%) và mức dưới 5 phút (chiếm 26%). Tuy nhiên tỷ lệ thời gian trung bình lưu lại của khách hàng trên 20 phút tăng hơn nhiều so với hai năm trước (từ 14% năm 2021 lên 20% năm 2022).

    71% doanh nghiệp đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quá trình mua sắm trên thiết bị di động, tỷ lệ này thấp hơn so với năm 2021 nhưng nhìn chung vẫn cao hơn so với các năm trước đó.

    61% doanh nghiệp cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sản phẩm của doanh nghiệp, tỷ lệ này cũng cao hơn nhiều so với các năm trước.

    e. Các hình thức quảng cáo website và ứng dụng di động

    Quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo…) trong nhiều năm liền vẫn là công cụ chính được doanh nghiệp quan tâm sử dụng nhất. Cụ thể theo số liệu khảo sát năm 2022, 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát có website/ứng dụng di động cho biết đã quảng cáo các kênh của mình thông qua mạng xã hội. Tiếp sau là hình thức quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm như: Google, Bing, Yahoo (chiếm 34%). Ngoài ra vẫn có 16% doanh nghiệp cho biết chưa hoạt động quảng cáo.

    Tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ phổ biến trên các website (99% website sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt), tiếp sau đó là ngôn ngữ tiếng Anh (27%) và tiếng Trung (4%). Xét theo quy mô doanh nghiệp thì nhóm doanh nghiệp lớn có website ngôn ngữ tiếng Anh cao hơn gấp đôi so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

     

    Nguồn: Báo cáo TMDT 2023 - VECOM 

    Administrator
    ADMIN

    VNDTS viết tắt của VN Digital Technology Solution - Công Ty TNHH Giải Pháp Công Nghệ Số VN. Với sứ mệnh "Xây Dựng Giải Pháp Chuyên Sâu Về Thiết Kế Website - App Mobile Đa Lĩnh Vực" . Phục vụ bạn đưa Thương Hiệu của mình phủ sóng Internet.

    vndts.vn

    31.7k

    03/02/2024

    Administrator
    Đánh giá bài viết
    Đánh Giá Trung Bình
    0/5
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%

    Chia sẻ nhận xét về bài viết

    Gửi nhận xét của bạn
    Biến động thị trường Thương Mại Điện Tử Việt Nam 2023
    Biến động thị trường Thương Mại Điện Tử Việt Nam 2023
    (0 nhận xét)
    Dựa theo báo cáo thương mại điện tử của Hiệp hội thương mại điện tử việt nam VECOM. Sự nổi trội của mạng xã hội nhưng Website doanh nghiệp là một phần không thể thiếu cho công cuộc phát triển bền vững TMĐT
    Hỗ trợ KT
    Kinh doanh 1
    Kinh doanh 2
    Support
    • Hỗ trợ KT
    • CSKH
    • Kinh doanh 1
    • Kinh doanh 2